Kinh Điển Nam Tông Và Kinh Điển Bắc Tông, Kinh Nào Mới Do Chính Đức Phật Thuyết? (1)

Chủ nhật - 25/10/2020 09:56
Kính thưa Ban Biên tập, tôi có nghe một vị Sư Nam tông nói “ Kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên Thủy (Nam tông) mới do chính Đức Phật thuyết, còn Kinh Đại thừa của Phật giáo Bắc tông không do Phật thuyết, mà do người đời sau trước tác”. Xin BBT cho biết ý kiến đó có đúng không? Tôi đang tu học theo Kinh điển Phật giáo Bắc tông nên rất hoang mang khi nghe điều này. Kính đề nghị BBT cho tôi một lời khuyên. Xin chân thành cám ơn Quý BBT. (tinhchongiac…@gmail.com)

Bạn tinhchongiac…@gmail.com

Chúng tôi nói liền để bạn an tâm: Kinh Nam tông hay Kinh Bắc tông cũng đều do chính Đức Phật Thích Ca thuyết cả. Kinh Nam tông là do Ngài An Nan đọc lại nguyên văn những lời Phật dạy; còn Kinh Bắc tông là do các vị Bồ tát đời sau y cứ vào lời Phật ý kinh mà triển khai thêm rộng thêm sâu cho phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc phương Bắc, mặc dù lời lẽ hai Kinh có khác, nhưng nội hàm vẫn trung thành với lời Phật dạy. Cũng giống như từ một gốc cây đại thụ mà dần theo thời gian có thêm cành thêm nhánh, thêm lá thêm hoa vậy thôi. Vấn đề là tùy ý mỗi người cảm thấy phù hợp với kinh điển nào, phù hợp với vị Thầy nào, phù hợp với ngôi chùa nào… mà chọn nơi thích hợp cho đời tu của mình. Kết quả nhiều hay ít còn tùy vào công phu tu tập và tùy theo hoàn cảnh nghiệp báo của mỗi người.

Để lý giải cho vấn đề tại sao Phật giáo đã có kinh Nguyên thủy lại có thêm kinh Đại thừa, câu trả lời là do chủng tử Phật pháp trong mỗi người khác nhau (hay còn gọi là căn cơ) . Chốc nữa chúng tôi sẽ chứng minh điều này qua thực tế lịch sử các kỳ kết tập kinh điển Phật giáo để bạn thấy rõ hơn.

Vậy, chủng tử Phật pháp hay căn cơ là gì? Muốn giải thích cụm từ này đòi hỏi tốn rất nhiều giấy mực. Ở đây chỉ xin mượn thí dụ sau đây để giải thích về “chủng tử Phật pháp”

Thí dụ: Sẵn đang mùa Vu Lan xin nói về việc mua chim, cá phóng sinh. Phóng sinh là thực hành lời dạy của Phật về lòng Từ bi và giới Không sát sanh. Từ ngàn xưa tới nay, hễ đến Rằm tháng Bảy là bà con Phật tử theo tục lệ đi mua chim, mua cá v.v… để phóng sanh. Tuy nhiên, có người bài bác phóng sinh theo cách đấy. Nhưng ai bài bác thì cứ bài bác, ai làm thì vẫn cứ làm. Ở đây chúng tôi không nói ai đúng ai sai, cũng không nói căn cơ ai cao, căn cơ ai thấp, mà nhấn mạnh: đó là do chủng tử Phật pháp ở mỗi người mỗi khác không đồng đều nhau nên cùng một lời Phật dạy mà nhận thức không giống nhau, dẫn tới thực hành khác nhau.

Chỉ có một việc nhỏ như thế thôi mà đã có người hiểu thế này, người hiểu thế kia, vậy thì cả kho tàng Phật pháp do Đức Bổn Sư thuyết giảng suốt 45 năm, trong đó có cả những triết lý cao siêu, thì sự tiếp thụ của hàng đệ tử Phật còn khác biệt nhau đến mức độ nào nửa. Chính sự khác biệt này là nguyên nhân gốc rễ của sự phân chia thành Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa sau này.

Đức Phật đã nói lên điều này qua Phật ngôn: “Giáo lý của ta như ánh sáng mặt trời, như mưa từ không trung rọi, tưới xuống vạn vật. Vạn vật tùy theo tính chất, tùy theo kích thước to hay nhỏ…mà hưởng sự lợi ích khác nhau” Đức Phật nói “Hưởng sự lợi ích khác nhau” phải chăng là do sự hiểu biết và thực hành giáo pháp của các hàng đệ tử khác nhau?

Ngày nay, chúng ta đều biết rằng mỗi người sống trong xã hội này đều không ai giống ai. Tùy theo nghiệp báo của mỗi người mà xã hội chia ra nhiều thành phần khác nhau về hoàn cảnh sống, về trí thức, về tánh tình v.v…Và có một thứ vô hình tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta, đó chính là “chủng tử Phật pháp”, nói cho dễ hiểu là “hạt giống Phật pháp”. Vì thế mới có người yêu đạo Phật nhưng cũng có người ghét đạo Phật; Có người nghe Phật pháp liền giác ngộ an vui nhưng cũng có người dèm xiểm chê bai Phật pháp…

Thời Đức Phật còn tại thế, chúng đệ tử xuất gia của Ngài lên đến hàng vạn người, trong đó có những người trí thức như Tôn giả Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na… Đồng thời cũng có những người thất học như Tôn giả Ưu Ba Ly, Bàn Đặc…Lại có những người tu hạnh đầu đà khắc khổ như Tôn giả Ca Diếp, A Na Luật… nhưng cũng có người sống thiếu phạm hạnh như bọn Lục quần Tỳ Kheo… Nói về địa vị xã hội họ cũng rất khác biệt nhau như: Ba anh em Ca Diếp là các bậc tôn sư mỗi ông có tới 500 đệ tử, trong khi Vô Não là một kẻ giết người sống ngoài vòng pháp luật; hoặc như bà Ba Xà Ba Đề là hoàng hậu cao quý, trong khi nàng Liên Hoa Sắc lại là một kỹ nữ bán dâm v.v…Tóm lại, đệ tử Phật lúc bấy giờ đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai.

Từ đó, chúng ta suy ra rằng: tuy cùng một lúc nghe lời Phật dạy, nhưng mức độ tiếp thụ Phật pháp của chư đệ tử Phật là không đồng đều nhau, thậm chí có thể có trường hợp các vị hiểu trái ngược nhau nữa . Thời Đức Phật tại thế, Ấn Độ rất thiếu các phương tiện ghi chép cho nên suốt 45 năm truyền đạo, Đức Phật chỉ nói miệng chứ không hề có một bản kinh văn nào được chép, như vậy những lời Kinh do ngài A Nan trùng tuyên trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương Xá có thể nói rằng ĐÚNG nhưng chưa chắc đã ĐỦ. Đồng thời, có những bài pháp mà Đức Phật thuyết riêng cho hàng đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na… thì ngài A Nan làm sao biết hết được?

Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
 

Có một giai thoại mà người học Phật nào cũng từng nghe. Đó là:

Một hôm, Đức Phật và chư Tỳ Kheo đang đi qua một khu rừng. Bỗng nhiên Phật cúi xuống hốt một nắm lá, sau đó Ngài xòe bàn tay ra trước các đệ tử và hỏi: “Các ông thấy nắm lá trong tay ta so với tất cả lá trong rừng này, bên nào nhiều hơn?” Chúng đệ tử thưa rằng “Lá trong rừng nhiều hơn”. Phật lại dạy:”Các ông nên biết, lá trong rừng ví cho những điều ta biết, còn lá trong tay ta ví cho những điều ta đã nói trong 45 năm” Qua giai thoại này, Phật dạy rằng nhũng điều Ngài nói ra trong suốt cuộc đời Ngài là vô cùng ít ỏi so với những gì mà Ngài đã biết.

Như vậy, những gì mà ngài A Nan đọc tụng tại lần kết tập thứ I chắc chắn chỉ bằng một phần ngàn những gì Đức Phật đã biết mà chưa nói ra. Kinh điển Đại thừa vận dụng trí tuệ khai thác cái phần “chưa nói ra” này của Bậc Dạo Sư để làm phong phú và phát huy phần diệu dụng của giáo pháp Như Lai, làm cho cây đại thụ Phật pháp càng thêm hương thêm sắc, tươi mới và tràn đầy nhựa sống, chứ không phải là một cái cây già cỗi sắp chết khô.

Trên đây mới là phần lý luận. Mời bạn đọc tiếp phần thực tế lịch sử kết tập kinh điển Phật giáo để hiểu biết thêm về vấn đề tại sao có kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa.

Kết tập lần thứ I:

Theo lịch sử ghi lại thì 30 ngày sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, ngài Đại Ca Diếp chủ trì một hội nghị gồm 500 vị A la hán họp tại hang Thất Diệp thuộc ngoại thành Vương Xá nhằm mục đích kết tập toàn bộ lời Phật dạy trong 45 năm truyền đạo (sử gọi đây là hội nghị kết tập kinh điển lần thứ I) Trong hội nghị này, ngài Ưu Ba Ly trùng tuyên toàn bộ giới luật do Phật chế (tạng Luật) và ngài A Nan trùng tuyên toàn bộ giáo pháp do Đức Phật đã thuyết (tạng Kinh) . Hội nghị kéo dài 7 tháng (có tài liệu ghi 3 tháng). Trong hội nghị có xảy ra các sự kiện sau đây:

I. Ngài A Nan có cho biết, trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật có dạy những giới luật nào xét thấy không quan trọng, giáo hội có thể bỏ, nhưng A Nan sơ ý quên không xin Phật dạy cho những giới luật nào có thể bỏ, nên không thể trình bày trước hội nghị. Do đó, hội nghị quyết định giữ nguyên toàn bộ giới luật.
II. Do sơ sót trên đây mà A Nan bị hội nghị khiển trách 5 điều sau đây:

  1. Không xin Phật chỉ dạy những giới luật nào cần hủy bỏ
  2. Vô ý dẫm lên y của Phật nhân một hôm đi theo hầu Ngài
  3. Để nước mắt phụ nữ làm ô uế thân mình
  4. Không thỉnh Phật kéo dài thêm thọ mạng
  5. Xin cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn

Vì muốn giữ vẹn sự hòa hợp tăng, A Nan nhận và sám hối những lỗi này.

III. Sau khi hội nghị bế mạc, ngài Phú Lâu Na dẫn 500 tỳ kheo khất thực ở phía Nam về tới, giáo hội cho ngài biết nội dung đã kết tập. Ngài Phú Lâu Na tuyên bố: Chư tôn đức đã kết tập xong Phật pháp như vậy rồi, nhưng những pháp mà tôi đã được nghe riêng từ kim ngôn của Phật cũng cần nên thọ trì”

Bình luận:

Như bạn thấy đó, vì hội nghị kết tập kinh điển lần thứ I đã không có sự tham dự của ngài Phú Lâu Na, một vị đại đệ tử của Đức Phật có biệt tài thuyêt pháp đệ nhất, nên ngài tuyên bố “hội nghị đã không trùng tuyên những giáo pháp mà Phú Lâu Na đã được nghe dạy từ kim khẩu của Phật” Điều đó chứng tỏ tạng Kinh được A Nan trùng tuyên tại hội nghị lần I là không đầy đủ, có sự khiếm khuyết. Những giáo pháp còn thiếu ấy, như ngài Phú Lâu Na nói, sẽ vẫn được thọ trì. Như thế có phải ngoài tạng Kinh do A Nan tuyên đọc tại hội nghị, vẫn còn có những bài Kinh khác do ngài Phú Lâu Na và có thể còn nhiều người khác nữa, vẫn được thọ trì trong cùng thời gian ấy không?

Lại nữa, trong 5 điều mà hội nghị khiển trách ngài A Nan, chúng ta thấy nổi bật tính chất “khắt khe”, “hẹp hòi”, “vô lý”… không mang tính cởi mở, khoan dung của bậc thánh, cho thấy mối tiềm ẩn sự phân chia bộ phái trong Phật giáo sau này.

 

Kết tập kinh điển lần thứ hai (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Kết tập kinh điển lần thứ hai (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Kết tập lần thứ II:

Sau hội nghị kết tập lần thứ I khoảng 100 năm, Tăng đoàn có xảy ra một sự kiện khiến là nguyên nhân dẫn đến hội nghị kết tập kinh điển lần thứ II.

Đó là vào năm 444 trước Tây lịch, các Tỳ kheo đang hành đạo tại thành Vesaly nước Tỳ Xá Ly ra nghị quyết cải cách 10 điểm về giới luật. Đây là những luật nhỏ (giới khinh) có liên quan đến sinh hoạt thường ngày của chư Tăng như: cất giữ đồ ăn qua đêm, ăn sau giờ ngọ, dùng tọa cụ lớn hơn mẫu quy định, uống rượu để chữa bệnh, cất giữ tiền bạc…

Lúc đó có trưởng lão Da Xá là người thuộc nhóm Tỳ kheo bảo thủ cho rằng 10 điều cải cách ấy là phi pháp. Ông bèn đi vận động được 700 Tỳ kheo có cùng quan điểm tập họp tại Vesaly để ra nghị quyết về 10 điều phi pháp nói trên. Nhân đó, hội nghị tiến hành đọc tụng lại toàn bộ tạng Kinh và tạng Luật. Hội nghị kéo dài trong 8 tháng mới kết thúc.

Trong khi hội nghị của các vị Tỳ kheo bảo thủ diễn ra thì các Tỳ kheo cấp tiến của thành Vesaly tuyên bố không chấp nhận 10 điều phi pháp mà phe bảo thủ quy chụp cho họ. Phe cấp tiến (có tài liệu ghi là 1000 Tỳ kheo) liền cùng nhau chọn một địa điểm khác cũng trong thành Vesaly tổ chức một hội nghị kết tập kinh điển riêng, gọi là Đại Kết tập hay Đại chúng kết tập. Hội nghị đã đúc kết thành Kinh tạng, Luật tạng, Đại pháp tạng, Tạp tạng và Bồ tát tạng, gọi là Ngũ Tạng.

Từ đó, giáo đoàn Phật giáo chia ra 2 bộ phái là:

  • Thượng tọa bộ (Thera) là phái bảo thủ
  • Đại Chúng bộ (Mahàsamghika) là phái canh tân

Bình luận:

Ngay từ lần kết tập thứ I, chúng ta thấy có hai vấn đề tiềm ẩn sự phân hóa sau này:

1) Kinh tạng kết tập lần thứ I không hội đủ tất cả giáo pháp mà Đức Phật đã thuyết, điển hình như trường hợp ngài Phú Lâu Na tuyên bố. Như vậy, chúng ta có thể suy ra suốt 100 năm từ lần kết tập I cho đến lần kết tập II, Phật giáo Ấn Độ đã có hai tạng Kinh cùng song song tồn tại. Nếu tạng Kinh do ngài A Nan dọc tụng là Nikaya, thì đồng thời cũng còn ít nhất một tạng kinh khác tạm thời chưa đặt tên được thọ trì bởi ngài Phú Lâu Na và các đệ tử. Phải chăng tạng kinh mà Ngài Phú Lâu Na đang thọ trì là thủy tổ của kinh tạng Đại thừa sau này?

2) Về giới luật của chư Tăng, Đức Phật đã từng dạy rằng “Đối với các giới không quan trọng, các tỳ kheo có thể bỏ khi cần thiết” Tuy nhiên, những Tỳ kheo bảo thủ không thực hiện theo lời dạy ấy mà khư khư giữ chặt những điều quy định cách đó cả trăm năm. Chính tinh thần bảo thủ này đã trở thành nguyên nhân phân hóa của Phật giáo. Thí dụ như giới luật “Tỳ kheo không được cất giữ tiền bạc” Quy định này chỉ thích hợp vào thời Phật còn tại thế. Nhưng sau 100 năm, với sự thay đổi lớn lao của đời sống xã hội Ấn Độ, có thể quy định này không còn hợp thời. Vậy, theo ý Phật dạy, các Tỳ kheo có thể sửa đổi mà không phạm tội lỗi gì. Tinh thần bảo thủ của Thượng tọa bộ và tinh thần dung hợp cởi mở của Đại chúng bộ là ví dụ điển hình nhất cho sự khác biệt giữa hai tông phái Nguyên thủy và Đại thừa sau này.

Hai vấn đề trên đây đã trở thành nguyên nhân gây chia rẻ trong giáo hội, và đến lần kết tập thứ II đã thành sự thật khi giáo hội chia ra hai bộ phái là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Lần này, mỗi bộ đều tổ chức kết tập kinh điển riêng. Trong khi Thượng tọa bộ vẫn trung thành tuyệt đối với Kinh tạng Nikaya (tạm gọi thế cho dễ hiểu) thì Đại chúng bộ đả phát triển thêm nhiều tạng kinh mới như Đại pháp tạng, Tạp tạng, Bồ tát tạng… Mặc dù ngay lúc này Kinh Đại thừa chưa chánh thức ra đời, nhưng qua sự kiện trên đã cho ta thấy mầm mống Đại thừa đã xuất hiện trên cây đại thụ Phật pháp. (Còn tiếp…)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây