Hòa thượng húy Tâm Thật, hiệu Thiện Châu, thế danh Hồ Đắc Cư; sinh năm 1931 tại làng An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên, gọi Ni trưởng Diệu Không bằng cô cùng họ.
Năm 17 tuổi, Ngài xuất gia tại Đà Lạt, theo học với Giảng sư Thích Thanh Thủy. Năm 1949, Ngài đến ở tại chùa Từ Đàm; do thiện duyên, Ngài được Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên, Trú trì Tổ đình Tây Thiên thế độ cho làm đệ tử. Ngài theo học tại Phật Học Viện Báo Quốc trong 5 năm, tốt nghiệp Trung đẳng Phật học tại trường này. Ngoài chuyện đi học ở trường, thì Ngài còn học nội điển với cố Hòa thượng Thiện Siêu, và với Hòa thượng Trí Quang... Về ngoại điển, và cả ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ấn Độ, Ngài đều tự học hết. Năm 1952, thọ Cụ túc giới, tham gia làm giảng sư đi diễn giảng suốt 17 tỉnh Trung phần Việt Nam. Sau đó vào Nam, được sự yêu mến và giúp đỡ của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và của Hòa thượng Thích Minh Châu, Ngài được học bổng của Chính phủ Ấn Độ để sang học ở Đại học Phật giáo Nalanda từ 1961 đến năm 1965; tại đây Ngài đã đậu bằng Pàlyacharya, sau đó đậu bằng M.A. Năm 1966 và1967, Ngài sang Anh quốc, nghiên cứu ở trường Đông Phương và Phi Châu học, thuộc Đại học Luân Đôn theo lời mời của Đại học này. Tiếp đó, Ngài qua Pháp, từ năm 1967 đến 1978, theo học ở Đại học Sorbonne Nouvelle, năm 1971 đậu cấp bằng Doctor of Philosophy (Ph.D.) với luận án Le traité des Trois Lois; năm 1978 đậu bằng Docteur d’État ès-lettres et Sciences humaines (D. Litt.) với luận án Les Sectes personnalistes du Boudhisme ancien tại trường này. Tự mình tìm lấy con đường đi của mình, tự mình đào tạo lấy mình. Luôn luôn giữ phong độ và tư cách của một Tăng sĩ Việt Nam truyền thống; nếu không có một ý chí mãnh liệt, một sự tinh cần bền bỉ, thì khó có thể thành đạt như Hòa thượng, cả Tu và Học như thế. Đi đâu hay ở đâu thì Hòa thượng vẫn không xao lãng nhiệm vụ hoằng Pháp của mình.
Năm 1980, Hòa thượng đã cùng với rất nhiều Phật tử trí thức Việt Nam ở Pháp - như cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, như giáo sư Võ Quang Yến chẳng hạn - lập Hội Phật Tử Việt Nam tại Pháp; với sự đóng góp công sức của Tăng Ni và Phật tử ở trong và ngoài nước, Ngài đã xây dựng Trúc Lâm Thiền Viện Paris tại Villebon Sur Yvette, trên một ngọn đồi gần thủ đô Paris, nước Pháp. Các vị trí thức trong Hội Phật tử nói trên và một vài vị khác như Tiến sĩ Cao Huy Thuần ở Pháp, Tiến sĩ Thái Thị Kim Lan ở Đức chẳng hạn, đều có sinh hoạt ở Thiền Viện Trúc Lâm Paris.
Năm 1981 Ngài được đề cử làm thành viên Hội đồng Trị sự Trung ương, và làm vị Đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại.
Năm 1989, Ngài đảm nhiệm chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Năm 1997, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Chúng ta cũng cần biết là trong thế kỷ thứ XX, hai triết gia Việt Nam có công trình nghiên cứu triết học xuất sắc được ghi tên vào Từ Điển các Triết gia thế giới, đó là Giáo sư Thạc sĩ Triết học Trần Đức Thảo về Hiện tượng luận của Edmund Husserl; và Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thiện Châu về Triết học Phật giáo.
Tác phẩm của Ngài đã xuất bản: Đường về xứ Phật, hồi ký cùng viết với Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Huyền Vi, xuất bản ở Sài gòn, 1964.- Lá Bồ Đề, tuyển tập các bài giảng cho giới Phật tử trẻ, xuất bản ở Sài gòn, 1964 (?); Paris, 1972.- The Ritual Book for Buddhists, Paris, 1968.- Le Traité Des Trois Lois (Tridhar-makasàstra), Luận án Ph.D. Sorbonne, Paris, 1971.- La Littérature des Personnalistes (Pudgalavàdins) dans le Bouddhisme ancien. Luận án Litt. D. Sorbonne, Paris, 1978.- Pháp Cú (Dhammapala), dịch từ văn Pali, Paris, 1980.-Dictionnaire des Philosophes (soạn chung), Paris, 1988.- Tìm Đạo, Tp. Hồ Chí Minh, 1990.- The Literature of The Personnalists of Early Buddhism, (bản dịch tiếng Anh của Sara Boin-Webb), Tp. Hồ Chí Minh, 1997.- The Philosophy of The Milindapanõhà, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
Vào giờ Ngọ ngày Rằm tháng tám năm Mậu Dần (11 giờ 30 ngày 05-10-1998), Hòa thượng an nhiên thị tịch, trụ thế 67 năm với 46 hành Đạo.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn