Chia Sẻ Về Vấn Đề "Từ Thiện"
Thứ ba - 07/06/2016 01:33
Chào các bạn. Hôm nay chúng ta chia sẻ về vấn đề "Từ thiện".
Có phật tử hỏi : Thưa thầy, mình đi chùa làm từ thiện mà mình chụp hình đăng ảnh lên mạng, như vậy có phải là khoe khoang không? Có mất phước không?
Thưa quí vị.
Từ thiện là do mình có thiện tâm, thấy người khác gặp hoàn cảnh sống khổ hơn mình, hay đang gặp hoạn nạn nên thương xót ra tay cứu giúp. Từ thiện thuộc về tình thương, sự cảm thông, chứ không phải vì danh tiếng muốn được người khác khen mà làm. Nhưng khi mình sống tốt thì tự người ta khen mình thôi chứ không phải mình muốn người ta khen, đó gọi là phước báu.
Kinh Phật dạy : "Quên mất bồ đề tâm mà làm các việc thiện là việc làm của ma". Vì sao vậy? Vì làm từ thiện mà không có tình thương mà chỉ vì khoe khoang, thậm chí mượn từ thiện để kiếm tiền riêng cho mình. (Quyên góp mười phần, cho 7 phần còn mình lấy 3 phần chẳng hạn) Như vậy không còn gọi là từ thiện nữa mà trở thành kẻ ăn gian, ăn trộm của các người nghèo khổ. Vì các thí chủ, các nhà hảo tâm người ta đóng góp là để cho người nghèo chứ đâu cho mình. Nên khi mình lấy bớt gọi là ăn trộm rồi. Thêm tội lợi dụng lòng tốt của người khác để kiếm lợi nhuận nữa gọi là tội lừa đảo.
_Những người đứng ra vận động quên góp để làm từ thiện thì họ đưa ảnh lên mạng là để nói cho các thí chủ, những người hảo tâm có đóng góp nhưng vắng mặt biết là mình đã làm từ thiện giúp họ rồi. Như vậy không gọi là khoe khoang.
_Nhưng nếu mình tự bỏ tiền ra làm từ thiện rồi chụp hình đưa lên mạng để thiên hạ biết mình là người tốt thì gọi là khoe khoang, cầu danh.
_Nếu chụp hình để giới thiệu cho mọi người biết đây có người khó khăn cần sự trợ giúp của người khác thì không gọi là khoe khoang.
_Những người không có tình thương, chỉ đi theo đoàn từ thiện để cho vui, thích có ảnh mình trên mạng để chứng tỏ mình cũng là người tốt thì cũng là cũng là cầu danh. *Nói chung, nếu tâm thích khoe cho mọi người biết thì gọi là "từ thiện cầu danh", tâm tham lợi thì gọi là "từ thiện cầu lợi". Tất cả hành động này đều gọi là việc làm của ma.
_Vì thông cảm nổi khổ của người khác, mà bỏ công sức cũng như vật chất để giúp cho họ mà không có ý mưu cầu gì khác nữa gọi là "từ thiện chân chính". Đây mới gọi là từ thiện đúng nghĩa phật dạy.
Nếu giúp người khác với tâm từ bi không cầu "danh và lợi" thì mới có phước đức và thành tựu đạo quả, giúp cuộc sống ngày càng an vui hơn.
_Khi mình giúp ai với tâm thích khen mà người ta không cảm ơn thì mình buồn giận, không vui rồi, đó là quả báo xấu ngay hiện đời. Khi mình giúp ai nếu vì lợi thì lo lắng, vì sợ người khác biết mình lừa họ thì cũng bất an phiền muộn rồi, đó là quả báo xấu ngay hiện đời. Còn đời sau trả quả báo nữa chưa nói.
_Khi mình giúp ai với tâm từ bi, thông cảm không mưu cầu "danh và lợi" thì mình không có sự giận buồn và bất an. Trong tâm sanh hỷ lạc vì nghĩ mình đã làm được điều tốt, đó là quả báo tốt ngay hiện đời và đời sau chắc chắn được an vui, sung sướng.
Nam mô A Di Đà Phật. Chúc các bạn an vui trong chánh pháp.
Tác giả: Đại Đức Thích Đạo Chánh, chùa Long Sơn TP Huế.