Kinh Ba Tĩnh Lặng HT. Thích Thiện Châu

Thứ ba - 16/02/2016 16:11
Kinh nầy rút từ "Phật thuyết như vầy" (Itivuttaka) trong 15 quyển thuộc Tiểu Bộ (Khuddakanikaya), Pali Text Society, trang 56.

Kinh Ba Tĩnh Lặng

HT. Thích Thiện Châu

I- Giới Thiệu

Kinh nầy rút từ "Phật thuyết như vầy" (Itivuttaka) trong 15 quyển thuộc Tiểu Bộ (Khuddakanikaya), Pali Text Society, trang 56; Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch, Tu thư Phật Học Vạn Hạnh xuất bản 1982. Nội dung nói về ba sự tĩnh lặng: Thân tĩnh lặng, Lời tĩnh lặng, và Ý tĩnh lặng.

Tất cả hoạt động của con người tuy nhiều song có thể gồm thâu vào ba loại: thân, lời và ý.

Hoạt động của thân, lời và ý nơi người thường thì ồn ào và đưa đến đau khổ bởi vì một người không tu dưỡng có thể có những hoạt động giết hại, trộm cướp, tà hạnh (thân), nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói thô ác (lời), tham lam, tàn bạo, hiểu sai (ý).

Trái lại, hoạt động của thân, lời và ý nơi người tu hành, đạo sĩ, thì tĩnh lặng và đưa đến an vui bởi vì một người hướng đến giác ngộ giải thoát luôn luôn tôn trọng sự sống, tài sản và hạnh phúc gia đình của người khác. Người xuất gia thì phạm hạnh (thân), nói thật, nói hòa giải, nói đúng, nói hiền diệu (lời), giúp đở, cho vui, hiểu đúng (ý).

Nói rộng ra, sở dĩ cuộc đời trở nên ồn ào, đau khổ là vì con người và xã hội sinh hoạt theo chiều hướng không lành mạnh. Nếu con người và xã hội chịu đổi lại cách sống và sống theo chiều hướng lành mạnh thì cuộc sống sẽ tĩnh lặng, an vui. Muốn được tĩnh lặng, an vui, con người cần phải tu dưỡng hay được giáo dục để những lậu-hoặc (asava) sau đây không còn là sức mạnh thúc đẩy hoạt động của con người:

1. lậu-hoặc về dục lạc (kamasava), 
2. lậu-hoặc về hiện hữu hay bản ngã (bhavasava), 
3. lậu-hoặc về tà kiến (ditthasava), 
4. lậu-hoặc về vô minh (avijjasava).

"Có bên trong thì hiện ra ngoài" (hữu ư tất hình ư ngoại). Một khi các lậu-hoặc không còn thì giác ngộ, giải thoát, nghĩa là con người vẫn hành động, nói năng và suy nghĩ song luôn luôn tĩnh lặng như mặt nước hồ thu đêm rằm.

Thiền quán có khả năng ngăn đổi con người ồn ào thành con người tĩnh lặng. Các thần giáo thường an ủi con người với phương pháp cầu nguyện. Phật giáo, với phương pháp thiền quán, giúp con người diệt trừ các lậu-hoặc để được tĩnh lặng hoàn toàn.

"Thích Ca Mâu Ni" là "Đức Phật tĩnh lặng (muni) thuộc giòng Thích Ca (Sakya)". Phật tử là người tu học để được tĩnh lặng như Phật tổ.

Cuộc sống hôm nay, nhứt là ở các thành phố phương tây quả thật là ồn ào và đau khổ, vì thế đạo lý của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni rất cần thiết cho chúng ta.

 

II- Chánh Kinh

Điều này do Thế tôn và A-la-hán nói và tôi được nghe:

"Này các Tỳ kheo, có ba sự tĩnh lặng. Những gì là ba? Thân tĩnh lặng, lời tĩnh lặng, và ý tĩnh lặng. Này các Tỳ kheo, ấy là ba sự tĩnh lặng."

Thế tôn nói ý nghĩa này; điều này lại được nói:

"Thân tĩnh lặng, lời tĩnh lặng, ý tĩnh lặng không lậu-hoặc. Đủ tĩnh lặng của đạo sĩ, gọi là 'Tâm sạch điều ác'.

Ý nghĩa này do Thế tôn nói và tôi được nghe.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây